Đã bao giờ bạn gặp phải câu nói trên chưa nhỉ? Thật lòng mà nói thì đi làm, nghỉ làm là việc chẳng có gì lạ. Song, tình trạng nghỉ làm đột ngột, điện thoại không được, nhắn tin không phản hồi, không lời tạm biệt hoặc nghỉ không cần báo trước lại rơi vào gen Z rất nhiều.
Ghét sếp - Nghỉ việc. Chán đồng nghiệp - Nghỉ việc. Tốc độ tăng lương chậm - Nghỉ việc. Tự chán - Nghỉ việc. Không vui - Nghỉ việc. Chia tay người yêu - Nghỉ việc… Điều này khiến không ít nhà tuyển dụng phàn nàn về thái độ nghỉ việc kém văn minh của số lượng không nhỏ người lao động thuộc độ tuổi này. Chính bởi quá nhiều sự phàn nàn khiến trên mạng xã hội bắt đầu dấy lên những câu chuyện về "gen Z" và văn hóa "thích thì nghỉ".
Bạn có nhận thấy rằng đa số giới trẻ ngày nay khá nhạy cảm, thậm chí dễ tổn thương với những câu trách móc của cấp trên, sự khó chịu từ ánh mắt của đồng nghiệp, áp lực công việc quá nhiều ảnh hưởng đến những chuyến du lịch hay đơn giản là "thấy không hợp"… Có phải bạn luôn tìm kiếm những người khiến bạn có động lực và được truyền cảm hứng trong sự nghiệp, còn nếu không thì sẽ rất khó để bạn gắn bó lâu dài với tổ chức đó?
Biết rằng sẽ có nhiều lý do khiến bạn (hay một ai đó) đưa ra quyết định nghỉ việc, nhưng bạn nên nhớ rằng việc mất đi một nhân sự sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quy trình công việc, bất kể bạn làm ở vị trí cao hay thấp. Vậy nên, chúng mình xin được tặng bạn một câu nói: “Bạn có thể mang theo nhiều thứ khi đi phỏng vấn tuyển dụng, nhưng chỉ cần mang theo duy nhất 1 thứ khi nghỉ việc. Đó là sự tử tế".
Bàn về văn hóa nghỉ việc, chúng mình cũng được biết rằng có nhiều bạn muốn nghỉ việc nhưng lại không thẳng thắn nói ra, xong làm việc trong tâm trạng nửa vời, nghĩ rằng bao giờ nghỉ cũng được. Nhưng bạn đâu nghĩ được rằng điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc chung của tập thể bởi “sếp” mặc nhiên cho rằng bạn vẫn là một mắt xích trong team, và trách nhiệm phải hoàn thành công việc ấy vẫn thuộc về bạn.
Cũng có những bạn tự dưng chán đời, không muốn làm việc liền nghỉ không lý do. Bạn nghỉ làm một ngày, nhưng công ty đâu được nghỉ làm theo tâm trạng nhân viên. Vậy nên dù có chán thì cũng nên rạch ròi công việc với tình cảm, nếu không thể giải quyết được thì báo với sếp và đồng nghiệp một câu để biết tình hình. Chúng mình nghĩ cũng không sếp nào lại muốn giữ một nhân viên luôn có tư tưởng nghỉ việc hay không muốn làm đâu.
Thông thường thì khi đã quyết tâm từ bỏ công việc hiện tại và xin nghỉ thì đại đa số mọi người sẽ có tư tưởng là sao cũng được, miễn mình được hưởng đầy đủ lợi ích một cách tối đa như nhận lương cho những ngày công. Tuy nhiên, nghỉ việc cũng nên xem xét cả thời điểm. Đừng lúc "cả team đang vắt chân lên cổ mà làm" thì bạn lại xin nghỉ, sếp sẽ không có thời gian để tìm người thay thế. Đó là thời điểm nhạy cảm nhất và rất dễ mang tiếng khi nghỉ việc.
Hơn nữa, bên cạnh những lợi ích cá nhân, ít nhất chúng ta khi nghỉ việc thì hãy giữ lại cho nhau những tình cảm chân thành đối với những người bạn, người đồng nghiệp, người sếp đó, bởi không ít thì nhiều, chúng ta đã từng cộng tác, làm việc, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau. Biết đâu đó, sau này khi gặp nhau ngoài đời sống, nhận ra nhau thì câu chào, lời hỏi thăm vì những sự quen biết ngày xưa lại làm ta ấm lòng. Không chỉ vậy, nhiều khi chính những người đồng nghiệp này lại giúp đỡ chúng ta trong tìm kiếm công việc mới, cơ hội mới....
Còn bạn, bạn nghĩ sao về văn hóa đi làm “thích thì nghỉ” đang ngày càng phổ biến trong nhịp sống của gen Z? Nếu bạn đang có dự định “chia tay” công việc, bạn sẽ làm gì để hài hòa mối quan hệ giữa bạn và các thành viên ở lại? Hy vọng mọi người đừng ngại ngần mà hãy thoải mái chia sẻ quan điểm với chúng mình nha!
Bài viết trên Fanpage "Gen Z Đi Làm Gì?"
Nguồn: Link bài viết