Tổng quan về Tự học Digital Marketing
Là hành trình khám phá nguồn kiến thức vô cùng rộng lớn của thế giới Digital Marketing. Khi mới bắt đầu tự học Digital Marketing, hành trang của bạn là sự tò mò, yêu thích và động lực chinh phục để bước vào thế giới của Digital Marketing. Các kiến thức từ quá trình tự học sẽ đặc biệt hữu ích cho những bạn mới bước chân vào ngành và là nền tảng vững chắc, bước đệm tuyệt vời giúp bạn bay cao và xa hơn trong Digital Marketing – một trong những ngành đang hot nhất hiện nay.
Vậy làm sao để quá trình tự học Digital Marketing mang lại hiệu quả cao nhất? Dưới đây là 5 yếu tố giúp bạn tìm ra câu trả lời.
5 yếu tố giúp bạn Tự Học Digital Marketing hiệu quả
Xác định mục tiêu chính và hãy tập trung vào nó
Thế giới Digital Marketing vô cùng rộng lớn, đối với những người mới vào ngành bạn sẽ dễ bị chìm giữa biển mênh mông kiến thức, các “môn học” như SEM, SEO, Social Media, Content, Website, Designer… Trong mỗi nhánh lại chia ra nhiều module con nên lượng kiến thức rất nhiều. Vậy nên hãy chọn cho mình một nhánh trong Digital Marketing và đầu tư thời gian, công sức tìm hiểu, thực hành và thuần thục được nó.
Sau đó, bạn mở rộng ra tìm hiểu và thực hành các nhánh khác trong Digital Marketing, từ từ bạn sẽ dần thuần thục cách vận hành của từng nhánh và làm chủ nó.
- Facebook ads->Google ads->Content writer->Social Media->Website->SEO
Đây là lộ trình mình đã đi trong 5 năm làm Digital Marketing, song song với đó là thường xuyên bổ sung các kỹ năng đi kèm như: lên kế hoạch tổng thể, đo lường và tracking, xây dựng dashboard & report,…
Trong khoản thời gian 2-3 năm đầu, bạn hãy chọn một vài nhánh làm thế mạnh của riêng mình, thật sự strong về nó, các nhánh còn lại có thể ở mức khá để bạn có cái nhìn tổng quan về ngành. Điều đó sẽ giúp bạn chọn lựa và kết hợp các công cụ quảng cáo, kênh triển khai hiệu quả cho kế hoạch Digital Marketing của mình.
Hãy tò mò mọi thứ về Digital Marketing
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi bạn mới bắt đầu tìm hiểu về nó và muốn phát triển thì nên tập một thói quen tò mò về những điều xoay quanh lĩnh vực ấy.
Khi bạn tự học Digital Marketing và chọn 1 nhánh để phát triển đi lên. Ví dụ bạn chọn tìm hiểu về Facebook Advertising thì bạn hãy đặt những câu hỏi như là:
- Những câu hỏi cơ bản như: Facebook Ads là gì? Làm sao để chạy được Facebook ads, Có những định dạng post quảng cáo nào? Kích thước chuẩn mỗi ảnh là bao nhiêu?,…
- Nâng cao hơn một tí là: Mình set up chạy được quảng cáo rồi thì còn cách nào để nó đạt hiệu quả cao nhất? Quảng cáo Dynamic ads là gì? Muốn chạy nó thì làm như thế nào?
- Hoặc đơn giản là khi bạn lướt newfeed của Facebook và chợt thấy một định dạng quảng cáo mà mình chưa biết thì hãy chụp màn hình lại và tìm hiểu về nó.
Khi trong đầu xuất hiện câu hỏi rồi thì tìm đáp án như thế nào? Câu trả lời đó chính là GOOGLE – Bách Khoa Toàn Thư của thế giới, là nơi chứa tất cả câu trả lời dành cho bạn, điều quan trọng là bạn phải đầu tư thời gian để tìm ra đáp án đúng nhất.
Còn một cách nữa để bạn nhanh chóng tìm ra câu trả lời đó chính là “nhờ trợ giúp của người thân”. “Người thân” ở đây là những người mà bạn quen biết đang làm việc trong ngành Digital Marketing, hoặc một người đang làm Mentor cho bạn. Những người có kinh nghiệm sẽ cho bạn câu trả lời đúng và nhanh nhất. Còn một cách nữa là bạn đăng câu hỏi của mình vào các group, diễn đàn, cộng đồng về Digital Marketing để nhờ sự trợ giúp. Tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian rảnh để trả lời từng câu hỏi chi tiết của bạn được.
Vậy nên theo mình tốt nhất vẫn là tự thân vận động tìm kiếm câu trả lời từ Google, Youtube trước, cảm giác mà mình tự tìm ra câu trả lời nó mang lại sự phấn khích và động lực rất nhiều cho việc tự học, đến khi bạn không thể tìm ra đáp án thì hãy nhờ đến “người thân” nhé.
Học đi đôi với hành
Học Digital Marketing cũng giống như học các môn khoa học tự nhiên khi bạn ngồi trên ghế nhà trường đều có kiến thức lý thuyết và phần thực hành. Nếu như thời học sinh bạn có các môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh thì trong Digital Marketing có các “môn học” cơ bản như: Google ads, Facebook ads, SEO, Social Media, TikTok ads,…
Và làm sao để thuần thục các “môn học” này? Việc của bạn là:
- Chuẩn bị nền tảng kiến thức: Các kiến thức cơ bản của các “môn học” trong Digital Marketing bạn sẽ dễ dàng tìm thấy trên Google, cùng với đó là hàng tá các video như: “Google ads là gì? Hướng dẫn chạy quảng cáo…” đều có sẵn trên Youtube. Khi bắt đầu học, bạn hãy đầu tư thời gian đọc các kiến thức nền tảng, xem các video giới thiệu để có cái nhìn cơ bản về “môn học” bạn đang theo.
- “Practice Make Perfect” Thực hành và thực hành: sau khi có được kiến thức nền tảng, bạn hãy bắt tay vào thực hành những kiến thức đó.
Ví dụ bạn đang tìm hiểu về quảng cáo Google Search, bạn đã biết nó là quảng cáo trả tiền theo click (pay per click), đấu giá từ khóa, hiển thị theo key word khách hàng tìm kiếm,…Nhưng để hiểu sâu, lâu dài và thật sự rành về Google Search bạn phải triển khai thực tế các chiến dịch Google Search. Bạn phải tự tay xây dựng một bộ từ khóa quảng cáo, set up giá thầu, viết mẫu quảng cáo, đọc báo cáo, tối ưu điểm chất lượng,.. thì bạn mới thực sự hiểu và làm chủ được nó.
Chỉ khi bạn cài đặt một chiến dịch quảng cáo thành công thì bạn sẽ hiểu hơn về quy luật vận hành của nó, kiến thức học được sẽ vững chắc hơn và giúp bạn lên được ngân sách quảng cáo chi tiết, rõ ràng cho một chiến dịch Digital Marketing tổng thể.
Đi từ cơ bản đến nâng cao
Cái nào dễ làm trước, khó thì dành thời gian tìm hiểu sau. Khi bạn mới bắt đầu học một “môn học” nào đó trong Digital Marketing, hãy học và thực hành những kiến thức cơ bản, dễ hoàn thành nhất để làm nền tảng đi lên. Nếu ngay từ đầu bạn chọn những kiến thức, kỹ năng ở level cao thì bạn sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành nó, và dễ dẫn đến nản và bỏ cuộc. Điều này rất dễ xảy ra trong quá trình tự học ở bất kì lĩnh vực nào.
Ví dụ 1: trong muôn vàng “môn học” của Digital Marketing thì theo mình Content writer là môn dễ thực hành nhất, bạn có thể tạo 1 fanpage, xây dựng nội dung trên đó và áp dụng các kiến thức đã học được.
Ví dụ 2: Facebook ads cũng là lựa chọn hợp lý để bắt đầu. Nếu bạn chọn học về Facebook ads thì hãy bắt đầu với việc set up một chiến dịch quảng cáo cơ bản trước (quảng cáo tương tác), ngân sách hãy để 50,000đ/ ngày, chia 2 nhóm (mỗi nhóm 25,000đ), chọn một mẫu quảng cáo đang có trên page và chạy tầm 2-3 ngày để có số liệu về quảng cáo. Từ đó bạn hiểu hơn về bản chất quảng cáo Facebook ads vận hành.
Tiếp đến bạn sẽ dễ dàng hơn để mở rộng với các chiến dịch quảng cáo như: Click to web, test A/B, Re-Targeting, Quảng cáo dựa trên data khách hàng có sẵn,…
Sau đó đến thiết lập các chiến dịch quảng cáo nâng cao như: Catalouges, Lead Generation, Dynamic Ads,…
Việc đi từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp bạn có những bước đi vững chắc và lâu dài hơn trong việc tự học Digital Marketing.
“Không thầy đố mày làm nên”
Khi bạn bắt đầu học về Digital Marketing, việc có một người thầy, một mentor, một người có kinh nghiệm trong nghề chỉ dẫn không chỉ giúp bạn định hướng đường đi đúng đắn, giải đáp các thắc mắc của bạn một cách nhanh chóng mà còn có thể chia sẻ những kinh nghiệm xương máu, thủ thuật trong nghề để giúp bạn tiến bộ nhanh nhất và ít mắc sai lầm trong quá trình triển khai các chiến dịch quảng cáo, tránh lãng phí ngân sách ở các kênh triển khai chưa đúng, các nhóm mục tiêu chưa hợp lý dẫn đến hiệu quả chiến dịch quảng cáo không cao. Trong quảng cáo Digital Marketing – mọi sai lầm đều trả giá bằng tiền chính là ngân sách quảng cáo.
Mình cảm thấy may mắn khi lúc bước chân vào nghề khoảng thời gian 5 năm trước, đã được một “người thầy”- cũng là sếp của mình lúc đó chỉ dẫn và giúp đỡ rất nhiều, đó là nền tảng đầu tiên giúp mình gia nhập vào ngành Digital Marketing và theo đuổi nó đến hiện tại.
Việc có được một “người thầy” trong giai đoạn mới bước chân tập tãnh vào nghề sẽ cực kỳ hữu ích, giúp bạn đi nhanh hơn và xa hơn trong nghề Digital Marketing này.