Trong kỷ nguyên Internet, Marketing nói chung và Digital Marketing nói riêng gần như là xương sống và là sự sống còn của nhiều công ty hoặc cơ sở kinh doanh.
Sự bùng nổ của thiết bị di động cũng như các nền tảng mạng xã hội đã tạo nên nhiều hình thức kinh doanh và tiếp cận khách hàng kiểu mới, nhanh chóng, hiệu quả và kinh tế hơn. Những người làm Digital Marketing qua đó cũng đạt được một vị thế cao hơn với mức thu nhập trội hơn mặt bằng chung các ngành nghề khác trong xã hội.
Tuy nhiên, bất kì một ngành nghề nào cũng có những nỗi khổ riêng. Dân Digital Marketing cũng khó tránh khỏi quy luật đó. Một số vượt qua được và tiếp tục, một số thì không may mắn được như vậy.
Mình mạn phép gọi nó là "nỗi sợ vô hình".
Và hôm nay, mình ngồi đây viết những dòng này với tâm thế của một người đã… KHÔNG vượt qua được nỗi sợ đó.
Nhìn lại một chặng đường dài, nhiều lúc mình vẫn nghĩ, học cách buông bỏ và tìm lối đi riêng khác đôi khi cũng không phải là lựa chọn quá tệ.
NỖI SỢ NHỮNG THỨ ĐANG CÓ Ở HIỆN TẠI RỒI SẼ BIẾN MẤT
Nước có thể nâng thuyền thì cũng có thể lật thuyền, câu này nếu so sánh thì sẽ có chút khập khiễng nhưng cũng sẽ đúng phần nào đối với những người đang làm Digital Marketing.
Mình từng làm cho một công ty bán lẻ khá lớn. Thời điểm đó, các kênh bán hàng chủ yếu của công ty vẫn là Offline. Sau một quá trình tái cơ cấu và dịch chuyển “số hóa” kéo dài gần 2 năm, quả ngọt đã tới. Các kênh như SEO, Paid Ads… phát huy hiệu quả một cách tối đa.
Các cuộc họp giao ban hàng tuần cũng như họp quý chủ yếu chỉ xoay quanh việc tận dụng Digital Marketing để tiếp tục hành trình phát triển của công ty. Khi sự phụ thuộc càng ngày càng lớn, thời điểm mà công ty chi hàng tỉ đồng mỗi tháng trên các nền tảng Paids Ads để tìm kiếm khách hàng, áp lực cũng lớn theo.
Công ty vì Digital Marketing mà mang lại tiền bạc, vị thế, cho nhân sự làm nó nhưng cũng có thể sẽ vì nó mà lấy lại tất cả. Sự thành công tại thời điểm hiện tại không đồng nghĩa với việc nó sẽ luôn thành công trong tương lai.
Team Digital Marketing nhận được sự kỳ vọng rất lớn cộng với đãi ngộ cực cao, tuy nhiên các anh em trong Team đều hiểu 1 chân lý rằng, việc đi trên lưng người khổng lồ (Facebook, Google,...) sẽ giúp mình đi nhanh hơn và xa hơn, nhưng chỉ cần người khổng lồ đó hắt hơi sổ mũi một cái, thì ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.
Giả sử nếu như 1 ngày nào đó, các từ khóa SEO tụt hạng do GG update thuật toán. Các tài sản Social của công ty bị khóa mà không có lý do. Các chiến dịch SEM hoặc Fb Ads xịt mà không rõ nguyên nhân. Những lúc như thế thì phải xử lý thế nào?
Các biện pháp Backup tất nhiên luôn có, nhưng nó sẽ ko thể nào “real-time” cũng như khắc phục ngay lập tức được. Việc kinh doanh của công ty thì vẫn phải tiếp tục hàng ngày và không nghỉ một giây phút nào. Lúc đó, tiền bạc, danh tiếng, vị thế của người làm Digital Marketing sẽ bị ảnh hưởng theo.
Tất nhiên thời điểm mình nghỉ làm thì vẫn chưa có “sự cố” hay “biến động” nào xảy ra cả, cho tới hiện tại thì mọi thứ vẫn rất ổn, tuy nhiên nỗi sợ “Ngày đó sẽ đến” luôn hiện hữu.
NỖI SỢ KHÔNG THEO KỊP VỚI DÒNG CHẢY CỦA NGHỀ
Có rất nhiều thứ mình thích ở những bạn trẻ tuổi, đó là sự sôi nổi, nhiệt huyết, ham học hỏi,... Nhưng khi ngày càng có tuổi và càng có nhiều mối lo, bận tâm khác như gia đình, con cái,... thì cái sự nhiệt huyết đó sẽ bị giảm xuống hoặc không còn nữa.
Digital Marketing luôn phát triển và đổi mới liên tục. Hãy tưởng tượng mỗi sáng thức dậy sẽ luôn có gì đó mới mẻ xuất hiện.
- Google Update thuật toán SEO mới.
- Facebook cho ra đời thuật toán phân phối mới.
- Tiktok cập nhật tính năng bán hàng mới.
- Metavers xuất hiện, sự bùng nổ của NFT, các nền tảng Blockchain.
- Và vô vàn thứ linh tinh khác nữa.
Nếu chỉ đứng im, tất nhiên bạn sẽ bị bỏ lại phía sau lưng. Nhưng khi càng cố theo cho kịp, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và chỉ muốn mọi thứ chậm lại.
Đáng buồn thay, chẳng có cái gì vì bạn mà chậm lại đi cả, chỉ có chấp nhận hoặc không chấp nhận.
NỖI SỢ CÂY CAO THÌ ĐÓN GIÓ, NÚI CAO GẶP NÚI CAO HƠN
Nhiều bạn trẻ thường mang suy nghĩ “ko làm chỗ này thì làm chỗ khác” hay “khó quá thì nghỉ thôi”. Nhưng càng ở một vị trí cao, bạn càng có nhiều thứ để mất. Tiền bạc, danh tiếng, địa vị, sự coi trọng của đồng nghiệp, bạn bè, xã hội càng lớn.
Trong Digital Marketing rất khó để có một chuẩn mực để đánh giá ai giỏi hơn ai. Có lẽ tiêu chí “ai làm hiệu quả hơn thì người đó giỏi hơn” lúc này sẽ được áp dụng.
Hầu hết những người làm Digital Marketing rất sợ gặp những người “trình” cao hơn trong một môi trường làm việc. Tại vì sao? Vì rất dễ bị bóc phốt hoặc bị chỉ ra cái sai.
Có thể bạn không tin nhưng đó là sự thật. Dân Digital Marketing ai cũng có cái tôi rất to. Vì chính các mác nghề nghiệp đã tạo cho họ tư tưởng "mình giỏi hơn người khác".
Có những cái sai có thể sửa chữa và học hỏi để tiến bộ. Ai làm được điều đó chắc chắn sẽ tiến xa hơn. Nhưng khi cái tôi quá lớn, lớn đến nỗi vượt xa "trình độ" bạn đang có, lúc đó mới xảy ra vấn đề, rất khó cứu vãn.
NỖI SỢ THẤT BẠI KHI CHUYỂN MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC
Ừ thì ai mà mà chẳng nhảy việc chỗ này chỗ kia. Mỗi lần nhảy việc là mỗi lần tăng lương và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng với những người làm trong lĩnh vực Digital Marketing, dù có tích lũy bao nhiêu kinh nghiệm đi nữa, thì cũng sẽ không có gì bảo đảm họ sẽ thành công ở môi trường mới. Những gì bạn làm trong quá khứ sẽ nằm lại ở quá khứ, làm đẹp cho CV và chỉ thêm một chút tự tin khi bắt đầu lại.
Bản chất không rõ ràng và khó đoán trước của Digital Marketing đối với mỗi ngành nghề riêng biệt là khá rõ. Với mỗi lĩnh vực, các thể loại về Content, hướng tiếp cận, triển khai SEO, SEM, Ads… đều đặc thù và khó có mẫu số chung. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới mà toàn bộ hoạt động kinh doanh gần như phụ thuộc vào Marketing thì áp lực dành cho nhân sự Marketing là cực kỳ lớn. Nên lúc còn đi làm mình rất ngại vào những công ty hay Startup mới hoạt động, vì rủi ro và tỉ lệ thất bại là quá cao.
NỖI SỢ THUA KÉM NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP KHÁC CŨNG ĐANG LÀM DIGITAL MARKETING
Cùng mang tiếng là Digital Marketing nhưng tất nhiên sẽ có this có that. Hãy thẳng thắn với nhau 1 điều rằng, cùng 1 vị trí, nhưng ở những công ty khác nhau và môi trường khác nhau thì mức thu nhập cũng khác nhau.
Chẳng nói đâu xa, mình bắt đầu sự nghiệp với vị trí là 1 SEOer với mức lương 6 triệu, tại thời điểm đó, nhìn đi đâu cũng nghe người ta nói làm SEO người này kiếm vài chục người kia kiếm vài trăm, khá là tủi thân. Hoặc cũng có những bạn vừa làm Content, vừa chạy Ads vừa kiêm luôn quản trị các kênh Social cho công ty nhưng lương vẫn “bé như hạt tiêu”, lúc bị người khác hỏi cứ mắc cỡ vì sợ bị đánh giá “ chắc trình phải thế nào thì lương mới thấp thế”.
Công việc và lương bổng đôi khi nó là cái duyên và vô số các yếu tố tác động, người giỏi chưa chắc lương đã cao, người lương cao chưa chắc đã giỏi. Nhưng nói tóm lại, dù vì bất cứ lý do gì thì cứ thu nhập cao là địa vị xã hội của bạn chắc chắn sẽ tăng lên và ngược lại.
LỜI KẾT
Bài viết của anh Nguyễn Anh Tín - Founder tại Tâm Sự Affiliate - MMO
Nguồn: Link bài viết