Tôi có hứa viết một bài về “bí quyết” làm nhân viên sau bài chia sẻ về “bí quyết” làm lãnh đạo.
Chủ đề này cũng rộng và có rất nhiều thứ để bàn. Trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ chọn nhắc đến một tư duy mà tôi cho là quan trọng nhất của nhân viên (thiệt ra bài học này cần ở mọi cấp, nhưng nó khá cơ bản nên dành trước hết cho nhân viên).
Ảnh minh họa
Có một tư duy mà các bạn nhân viên nếu luyện được thì tốt, đó là thay vì hỏi “Việc này có nằm trong mô tả hay quy định công việc của tôi không?” thì hãy hỏi “Ngoài mô tả hay quy định công việc, có điều gì tôi có thể làm khác đi hoặc thậm chí sửa lại mô tả hay quy định để hỗ trợ bạn được tốt hơn không?”. Trong thế giới V.U.C.A, ai mà khư khư bám chặt vào mô tả hay quy định của công việc thì giống như cầm gậy bóng bàn ra sân tennis vậy.
Lý thuyết đằng sau của lối suy nghĩ này là khái niệm “Job to be done” (JTBD) của GS Clayton Christensen, tạm dịch là công việc cần hoàn thành. Hiểu nôm na là ai cũng có một nhu cầu sâu thẳm cần được đáp ứng và giá trị của chúng ta là giúp người khác giải quyết được JTBD của họ thông qua chuyên môn của mình. Nếu việc mình làm không giúp người tiếp nhận giải quyết được JTBD thì giá trị của việc làm ấy là rất thấp, thậm chí bằng không.
Chúng ta đều biết có một nguyên tắc là đầu vào & đầu ra. Đầu ra thành quả công việc của mình là đầu vào của người khác. Người bình thường sẽ quan tâm xem việc này có đúng quy định, quy trình, mô tả công việc của mình để làm không. Người khá hơn sẽ nhìn đầu ra của mình có đáp ứng được JTBD của người tiếp nhận chưa, từ đó chỉnh sửa lại quy định, quy trình, mô tả công việc của mình. Nói cách khác, JTBD của người tiếp nhận chính là cơ sở để quyết định điều mình cần làm, chứ không phải quy định hay mô tả công việc mà mình được giao.
Tất nhiên, khi là nhân viên, chúng ta không thể tự ý thay đổi quy định hay mô tả công việc, nhưng ít nhất chúng ta cần có tư duy đó để mình là người chủ động đề nghị sự thay đổi cho cấp trên.
Nhân viên làm việc như thế thì giá trị tạo ra sẽ rất cao, công việc thì luôn đổi mới và quan trọng là giữ cho đầu óc không bị cũ kỹ hoặc đi theo lối mòn. Để làm được như vậy cần chúng ta vượt lên sức ì của bản thân, vì tư duy ấy đòi hỏi khả năng làm mới mình, cũng như sẵn sàng làm việc khó (vì phải động não thường xuyên) hơn là việc dễ (cứ theo quy định mà làm). Đây là thứ giúp phân biệt một người 15 năm kinh nghiệm với một người chỉ có 5 năm và nhân nó lên cho ba lần (ý nói chỉ có 5 năm đầu chịu khó đổi mới, sau khi có chút thành tựu thì cứ thế mà lặp lại theo lối mòn).
Nhờ luôn suy nghĩ về JTBD mà chúng ta hiểu và chuyển được chữ “giá trị” từ nhận định chủ quan sang khách quan. Thay vì tự thấy mình đang làm tốt, chúng ta sẽ đặt mình vào tương quan với “chủ thể tiếp nhận” để đánh giá về giá trị mình tạo ra.
Các bạn nhân viên nếu luyện được lối tư duy này trong công việc thì rất tốt. Còn không thì hơi tiếc vì nó sẽ ứng với nguyên lý Peter, được phát biểu ngắn gọn rằng trong một tổ chức có tính thứ bậc, người ta sẽ có khuynh hướng tiến về phía vô năng.
Bài viết của anh Vũ Đức Trí Thể - Solution Director tại Học viện Quản lý PACE
Nguồn: Link bài viết