Trong buổi chia sẻ ngày 18/11 vừa qua với chủ đề “Digital Marketing – Chuyện người làm nghề trong thời đại chuyển đổi số”, anh Lại Tuấn Cường - CEO & Founder Repu Digital đã có những chia sẻ rất giá trị và chân thành dành cho cộng đồng Marketer trẻ.
Khởi đầu sự nghiệp Marketing
Trong buổi livestream Talkshow Online 16 với chuyên đề “Digital Marketing – Chuyện người làm nghề trong thời đại chuyển đổi số”, anh Lại Tuấn Cường đã có những chia sẻ rất chân thực về hành trình làm nghề cũng như đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ.
Những hình ảnh trực tiếp từ buổi Livestream Talkshow Online 16: "Digital Marketing - Chuyện người làm nghề trong thời đại chuyển đổi số"
Sự chuyển hướng từ người làm Công nghệ thông tin
Anh Cường đã chia sẻ rất chân thực về cơ duyên của anh với lĩnh vực Digital Marketing: “Anh học chuyên ngành Công nghệ phần mềm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh đã có thời gian làm đúng chuyên ngành từ việc thực tập cho FPT, làm việc cho các công ty Hàn Quốc, công ty hàng đầu tại Việt Nam về chứng khoán.
Anh nhận thấy là nếu mình cứ làm công nghệ thông tin mãi thì không ai biết về mình, trong khi đó những người làm sale thì quan hệ rộng, đi đâu ai cũng biết nên mình cũng muốn kinh doanh.
Anh cũng đã xin Sếp cho chuyển sang mảng kinh doanh và vì không có kinh nghiệm gì nên thất bại cũng nhiều. Nhưng cuối cùng thì sau 1 thời gian, anh mở công ty riêng và bắt đầu từ dịch vụ Email Marketing, sau đó anh học dần, mở rộng dần ra về nhiều lĩnh vực như Quảng cáo Facebook, Google, Brand Marketing,... Anh nhận ra là Digital Marketing là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và Marketing.”
Cách thức vượt qua khó khăn cho những người trái ngành
Đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân cũng như bài học từ những người bạn xung quanh, anh Cường đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ rằng: “Nếu mình không biết thì mình nên bắt chước, ví dụ như mình đi event, hội thảo để học hỏi từ những người giỏi hơn.
Thứ hai, các bạn có thể đi học các khóa học ngắn hạn về Marketing. Ví dụ như bản thân anh Cường thì anh đã theo học một số khóa học như: Khóa học Thương hiệu ở học viện Plato của anh Nguyễn Đức Sơn, học PR của 3 thầy là Nguyễn Đình Thành, Lê Quốc Vinh, Phan Tất Thứ, học Google Adwords của Mai Xuân Đạt, SEO của Lê Nam,...
Mình thiếu kiến thức thì mình nên đi học vì nó sẽ cho mình kiến thức tổng quan nhất. Nên học hết vì những kiến thức đấy bổ trợ lẫn nhau và giúp ích cho lĩnh vực Marketing.”
Những đánh giá về nguồn nhân lực Digital Marketing trong thời đại chuyển đổi số
Anh Cường thẳng thắn nhận định: “Những bạn trẻ học Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân anh đánh giá cao về sự chủ động và ham học hỏi.
Tuy nhiên, anh nhận thấy hiện nay có nhiều bạn trẻ thiếu sự kiên nhẫn, làm Marketing thường không nghiên cứu sâu. Nếu sai cần tìm hiểu để lần sau không mắc phải, còn nếu đúng thì cũng cần phải nên biết tại sao mà mình đúng.
Nếu nhảy việc sau 1-2 tháng thì không thể đánh giá được mình có hợp với công việc đó hay không, ít nhất phải 6 tháng hay 1 năm thì mới có thể đánh giá chính xác được.”
Nên bắt đầu trong lĩnh vực Digital Marketing từ vị trí nào?
Để trả lời cho câu hỏi này, anh Cường đã đưa ra những lập luận như sau: “Để biết nên bắt đầu trong mảng nào thì nó phụ thuộc vào sở thích, thế mạnh của em và thậm chí còn phụ thuộc vào cái duyên.
Có 2 nhóm công việc, 1 nhóm thiên về sáng tạo và 1 nhóm thiên về logic. Những bạn nào bay bổng thì nên chọn nhóm 1 như video viral, music marketing, event, sự kiện, sáng tạo nội dung, content, còn bạn nào thiên về logic, giỏi toán thì có thể làm thiên về mảng chạy quảng cáo, SEO.
Nếu vào được Agency thì các bạn sẽ làm được nhiều, học được nhiều, áp dụng 1 công cụ cho nhiều ngành hàng. Còn Client thì bạn sẽ áp dụng nhiều công cụ cho cùng 1 mặt hàng. Với các bạn mới ra trường, anh nghĩ các bạn nên làm ở Agency để học được nhiều nhất có thể.”
>>> Xem thêm: +100 công việc Digital Marketing hot nhất tháng 11
Tiến bước thành công
Trong phần hai của chương trình, anh Cường đã đưa ra những lời khuyên chân thành dành cho các bạn trẻ đang trong quá trình bước đầu theo đuổi Digital Marketing và đặc biệt là những kinh nghiệm cho các cuộc phỏng vấn.
Làm thế nào để biết bạn có hợp với Digital Marketing hay không?
Anh Cường chia sẻ: “Phải sau một thời gian làm việc, khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng thì mọi người có cảm thấy mỗi sáng đi làm bạn có hào hứng hay không?
Nếu mỗi sáng bạn bước những bước chân rệu rã đến văn phòng, thấy công việc này vô nghĩa thì bạn nên thay đổi.
Còn nếu bạn tìm thấy nụ cười của chính mình mỗi sáng đi làm và mỗi khi chiều về, cuối tuần bạn vẫn muốn ngồi nghiên cứu về Digital Marketing, vậy là hợp rồi.
Những yếu tố góp phần tạo nên 1 chiếc CV đẹp
“Để đánh giá một CV đủ tốt, còn phụ thuộc vào vị trí mà các bạn ứng tuyển:
- Thực tập sinh: gần như không yêu cầu gì
- Nhân viên: một CV tốt là một CV đã có kinh nghiệm về vị trí mà bạn đang ứng tuyển, vì bạn có kinh nghiệm thì lãnh đạo không phải mất công dạy nhiều và bạn còn dạy lại cho những đồng nghiệp khác nữa.
Với những bạn chưa có kinh nghiệm thì nên apply những công ty nhỏ vì họ không yêu cầu nhiều, sau đó apply vào các công ty lớn thì sẽ dễ dàng hơn vì họ yêu cầu kinh nghiệm cao rồi.
Khi đi phỏng vấn thì các bạn nên tập trung vào thế mạnh của bạn, đừng lan man quá, ví dụ như đi phỏng vấn SEO thì nên ghi là bạn giỏi toán chứ không phải giỏi Văn."
Về vấn đề chứng chỉ Online Marketing:
- Những công ty nhỏ thì họ không quan tâm lắm đến những vấn đề đó và thường là lãnh đạo sẽ phỏng vấn trực tiếp, họ cũng đã chứng kiến sự thay máu nhân sự liên tục nên họ sẽ biết được bạn có đang nói thật hay không, bạn có năng lực thật hay không.
- Công ty lớn họ có nhiều ứng viên nên CV của bạn buộc phải đẹp thì bạn mới có cơ hội được gọi. Cùng là không có kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm thì có certificate vẫn hơn những bạn không có certificate.
Bí kíp lựa chọn môi trường tốt để làm việc
Anh Cường tiếp tục đưa ra những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề môi trường làm việc: “Một môi trường làm việc tốt trước tiên là một môi trường cho mình thu nhập tốt, tuy nhiên bạn cũng phải xứng đáng với môi trường đấy.
Với những bạn dưới 3 năm kinh nghiệm thì thu nhập không phải ưu tiên hàng đầu mà các bạn cần tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, hãy nên tìm môi trường cho bạn làm càng nhiều càng tốt vì làm càng nhiều thì càng có nhiều kinh nghiệm.
Sau 3-5 năm tích lũy nội lực, các em sẽ được lên những vị trí cao hơn như Leader, Manager, lúc đấy tiền sẽ tự đến, chủ doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả đúng giá trị của các em.”
Tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn ứng viên Digital Marketing
Khi còn là Executive, các em sẽ làm những công việc thực thi nhiều hơn, thì em phải mang lại hiệu quả. Sau 1 thời gian em được lên làm Leader thì em phải thêm một kỹ năng nữa là quản lý và hỗ trợ các thành viên trong nhóm.
Manager thì góc độ chuyên môn ít đi, kỹ năng về chiến lược sẽ được đẩy cao hơn. Giám đốc đưa ra yêu cầu thôi, ví dụ tăng doanh thu gấp 3, còn làm như thế nào thì em phải tự suy nghĩ, phải lên chiến lược.
Hỏi - đáp, Tương tác cùng chuyên gia
Phần 3 của chương trình diễn ra rất sôi nổi với rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ các bạn khán giả đang theo dõi Livestream.
Bạn Hậu Bích có câu hỏi: “Trong Digital Marketing, công cụ hay tư duy quan trọng hơn?”
Anh Cường trả lời như sau: “Cả 2 đều cần nhưng tư duy là yếu tố quan trọng hơn. Tư duy sẽ được tích lũy trong quá trình đi học, quá trình sống, nó hình thành nên khả năng xử lý thông tin, khả năng tư duy logic,...
Để tạo ra tư duy thì đó là những kiến thức nền tảng mà chúng ta có thể học trong sách vở. Từ tư duy thì các em mới có chiến lược để đi đến điểm đích, biết lập kế hoạch để biết cái gì làm trước, cái gì sau.
Còn công cụ là cái giúp các em thực hành. Công cụ giúp các em làm việc hiệu quả hơn, đi đến đích nhanh nhất.”
Câu hỏi thứ hai của bạn Lý Nghĩa: “Anh cho em hỏi về 2 chiến lược: kéo (pull) và đẩy (push) trong Digital marketing?”
Với câu hỏi này, anh Cường đã tiếp cận 2 khái niệm mang ý nghĩa thực tế hơn khi triển khai công việc Marketing là Inbound và Outbound:
“Outbound là những phương pháp đẩy thông điệp của mình ra ngoài như quảng cáo: quảng cáo facebook, quảng cáo Google, video viral.
Inbound: làm cách nào để kéo khách hàng về với mình khi họ cần như: SEO, Content trên web,...
Outbound có hiệu quả ngay lập tức, có tiền về luôn, trong ngắn hạn thì tốt nhưng lại tiêu tốn nhiều ngân sách. Còn Inbound Marketing thì phải làm trong dài hạn để khách hàng nhớ về mình nhưng chi phí lại rẻ hơn.
Thế nên, một doanh nghiệp cần kết hợp cả 2 phương pháp này để mang lại hiệu quả tốt nhất trong cả ngắn hạn và dài hạn.”
Bạn Loan Trần có câu hỏi: “Bộ chỉ số KPI trong ngành Digital Marketing là gì ạ?”
Anh Cường đưa ra bộ chỉ số như sau:
- Chỉ số liên quan đến độ phủ là: impression và reach. Một bài quảng cáo, một bài viết thì tiếp cận được với bao nhiêu người.
- Sự yêu thích, thích thú: bao nhiêu người click, like, share, tương tác
- Bao nhiêu lead thu được, bao nhiêu người điền form, bao nhiêu người inbox,...
- Số lượng khách hàng, doanh thu, doanh thu trên một đơn hàng
Bộ phận Marketing phải kết hợp với bộ phận Kinh doanh để đo lường những chỉ số này và điều chỉnh lại kế hoạch Marketing để đạt được hiệu quả cao nhất.
Kết luận
Những chia sẻ chân thành và giá trị từ khách mời đã giúp các bạn trẻ đang loay hoay với công việc Marketing tìm ra con đường thích hợp để phát triển. Anh Cường cũng cho đi những bài học kinh nghiệm quý giá để tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực này.
Mong rằng các bạn đã tìm được những cách gỡ nút cho riêng mình và tìm kiếm được thật nhiều giá trị qua buổi livestream Talkshow Online 16 với chuyên đề “Digital Marketing – Chuyện người làm nghề trong thời đại chuyển đổi số”.
Xem chi tiết buổi Talkshow Online số 16 TẠI ĐÂY
Để không bỏ lỡ những chia sẻ thú vị từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Marketing, hãy theo dõi và đăng ký Fanpage MarketingWorks ngay hôm nay nhé!