Trong quá trình chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết chuyên nghiệp, để áp dụng thực thi Content Marketing, tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều bạn làm “Content SEO” mang tư duy “lạ lùng”, là… “Xào xáo thì có sao, thầy nhỉ!”.
“Đó là vi phạm bản quyền. Là sai trái. Sao lại… không sao???”, tôi hỏi lại.
“Thì trước giờ, bọn em vẫn làm thế. Nếu không xào, thì làm thế nào? Mà đấy là vì thầy gọi đó là xào xáo, chứ bọn em gọi nó là ‘tìm thông tin dựa trên từ khóa, rồi viết lại theo kiểu của mình cho chuẩn SEO, đáp ứng Unique Rate’ đấy chứ!”.
Nghe thế, tôi liền troll nhẹ: “Vậy nếu cái nguồn mà các em lấy đó, người ta làm chuẩn SEO rồi, thì các em lại viết ‘chuẩn SEO’ thêm lần nữa, rồi những nơi khác xào xáo ‘chuẩn SEO’ tiếp, thì cái phiên bản nội dung thứ n đó ‘chuẩn SEO’ bao nhiêu lần?”.
“Ơ…”.
Không hiểu về cách thức làm nội dung gốc, dẫn tới việc coi “xào xáo” là đương nhiên, thì thật sai lầm! Trái lại, khi Content Writer “tái sử dụng” nội dung thì lại… đúng!
Vậy, “xào xáo” với “tái sử dụng” có gì khác nhau?
“Xào xáo” là dựa trên một hoặc một vài nguồn nội dung, copy rồi chỉnh sửa (theo “cách của mình”, cho đạt “Unique Rate”), để ra sản phẩm. Việc ghi nguồn đương nhiên là chẳng bao giờ tồn tại trong “từ điển” của những người “xào xáo”.
Như vậy, sản phẩm “xào xáo” luôn phải dựa trên nguồn nội dung đã có. Việc chỉnh sửa (chứ đừng nhầm lẫn là “sáng tạo”, “lao động”) chỉ là nhằm đối phó với công cụ tìm kiếm, với nơi bị mình copy, để không bị phát hiện ra mà thôi!
Đương nhiên, “xào xáo” là sai, bởi nó vi phạm bản quyền, không tôn trọng công sức lao động của người khác.
Người chuyên đi “xào xáo” chẳng bao giờ dám tự hào về kỹ năng viết lách của bản thân, bởi vốn họ có biết cách tự tạo ra con chữ của chính mình đâu cơ chứ!
Không có con chữ “của người khác”, thì người “xào xáo” chẳng biết làm gì. Đó là sự thật đáng buồn!
Thậm chí, khi các bạn hiểu về “giá trị thông tin gốc”, thì kể cả có viết lại hoàn toàn, đó vẫn là “xào xáo”.
Chẳng hạn: Chưa ai biết được Messi dùng loại giấy gì chấm nước mắt vào hôm nói lời chia tay Barca. Giả sử thông tin về loại giấy này rất được quan tâm. Tôi tìm cách tiếp cận được danh thủ Argentina, hỏi thông tin, rồi tung ra tin sớm nhất tiết lộ tên loại giấy mà Messi đã dùng.
Đó là chi tiết thông tin gần như độc quyền của tôi ở thời điểm tung ra. Nó là kết quả của sự lao động (tác nghiệp) mà tôi đã phải thực hiện.
Nếu ai đó lấy chi tiết thông tin mà tôi đã khám phá, để đưa vào bài của họ, nhưng lại không trưng ra được bằng chứng là họ đã hỏi Messi, thì tức họ đã “xào xáo” thông tin của tôi, bất biết họ viết lách, diễn giải như thế nào!
Tôi khẳng định “xào xáo” là sai, nhưng đừng ai vội nhảy dựng lên phản biện nhé! Kiểu như: “Kho thông tin, kiến thức của nhân loại vĩ đại như thế, không ‘xào xáo’ thì chả lẽ… làm lại từ cái bánh xe?”
“Xào xáo” sai, nhưng “tái sử dụng” nội dung thì đúng! Bởi thế, sẽ không có chuyện “làm lại từ cái bánh xe” đâu!
“Tái sử dụng” nội dung là khi Content Writer sẵn sàng ghi nguồn (nếu cần), khai thác nội dung/thông tin đã có, để phát triển lên, thành nội dung của mình. Sự phát triển này dựa trên kiến thức chuyên môn của Content Writer – hay nói cách khác, là người viết nội dung phải lao động thực sự, để tạo ra “tác phẩm phái sinh” trên nền tác phẩm gốc ban đầu.
Khi đó, sản phẩm tạo ra là nội dung mới, không phải “xào xáo”.
Tôi ví dụ: Giả sử hãng Reuters đăng tin như sau: “Apple sẽ ra mắt iPhone mới, với hẳn 5 lỗ cam phía sau”.
=> Tôi đọc xong thông tin, thì viết bài:
“Theo nguồn tin riêng mà Reuters vừa tiết lộ, Apple sẽ ra mắt iPhone mới có tới 5 lỗ cam phía sau.
Trước đó, tôi có thông tin Apple đang cân nhắc giữa 2 phiên bản: Máy 5 lỗ cam hoặc 6 lỗ cam. Vậy là cuối cùng, “Quả táo” đã chốt được phiên bản cho lần ra mắt sắp tới.
Trong đó, phiên bản 5 lỗ cam có đặc điểm là…
Phiên bản 6 lỗ cam thì…
Theo hiểu biết của tôi, việc chọn bản 5 lỗ cam sẽ giúp Apple tiết kiệm chi phí sản xuất, song như vậy, họ phải chấp nhận cắt bỏ tính năng xyz mà phiên bản 6 lỗ cam có“.
Các bạn thấy bài “tái sử dụng” nội dung nói trên thì vẫn là bài mới chưa?
Thứ nhất, tôi không ngần ngại, không phải che giấu việc tôi khai thác thông tin của nguồn Reuters (chỗ bôi đậm, in nghiêng).
Phía Reuters cũng không thể ngăn cấm tôi làm điều này, một khi họ đã đăng thông tin công khai, còn tôi dẫn nguồn đàng hoàng, đầy đủ.
Thứ hai, nội dung do tôi viết ra đích thực là những con chữ của tôi, dựa trên chuyên môn/hiểu biết của tôi, xoay quanh thông tin “dẫn nguồn” kể trên.
Tôi không hề “xào xáo”, mà tôi đã phải lao động thực sự với ngòi bút của mình.
Cách làm trên có mất công không? Có!
Có đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng viết lách không? Có!
Có mang lại giá trị thông tin mới mẻ, hữu ích cho độc giả quan tâm không? Đương nhiên có, vì tôi đã cung cấp những bình luận, thông tin mở rộng về đề tài đó, dựa trên sự hiểu biết và dữ liệu của tôi.
Đấy chính là “tái sử dụng” nội dung – cách làm mà rất nhiều kênh thông tin nước ngoài đang áp dụng. Ví dụ trong lĩnh vực công nghệ, TechRadar, Boys Genius Report, Engadget… đang làm như vậy.
Bây giờ, sau khi đọc xong, bạn sẽ lựa chọn con đường nào cho sự nghiệp Content Writing của mình?
“Xào xáo” cho nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng, chấp nhận mức giá rẻ mạt và không bận tâm tới những lời cáo buộc vi phạm bản quyền, tới sự mất mát uy tín cá nhân vào công việc này?
Hay là “tái sử dụng” nội dung, cũng như kiên trì rèn luyện ngòi bút, bỏ sức lao động thực sự và nghiêm túc để có những con chữ, những nội dung thực sự là của mình? Để tự tin ngẩng đầu trước bất kỳ ai, rằng “sản phẩm Content của tôi mang ‘bộ mã ADN’ độc nhất trên thế giới này?”.
Sự lựa chọn là tùy vào các bạn!
Thông qua những chia sẻ của anh Hiếu, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về cách viết Content, tránh được cách viết "xào xáo" truyền thông, biết được tầm quan trọng của việc "tái sử dụng" nội dung và áp dụng nó cho công việc của mình.
Để đọc đầy đủ bài viết của anh Nguyễn Trung Hiếu, các bạn tham khảo thêm TẠI ĐÂY
Để đọc thêm các bài chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Marketing, các bạn có thể tham khảo thêm trong mục Blog - Góc nhìn chuyên gia.