Trong quá trình nhào nặn đứa con tâm huyết, xuất hiện hàng chục bản phác thảo, biết bao nhiêu tách cà phê cùng tới lui sự tẻ nhạt. Cuối cùng, khi gửi đi bạn lại lâm vào cảnh thay A đổi B sửa C… Thật buồn mà chẳng thể làm gì hơn.
Nhưng tại sao bạn không thử thay đổi kết quả, đứng ra bảo vệ đứa con của mình? Hãy cùng tìm đường cứu ý tưởng nhé!
1. Tinh tế ở những giây phút đầu
Con người là cá thể nhạy cảm, chúng ta gửi cho nhau những tín hiệu cảm xúc thông qua cái chau mày, gật đầu hay đăm chiêu trong vô thức. Khi làm việc với khách hàng, hãy tinh tế nắm bắt những tín hiệu phản hồi thầm lặng ấy. Từ đó, bạn có thể thay đổi và điều chỉnh bài thuyết trình cho phù hợp.
2. Học ngôn ngữ của khách hàng
Thật khó để nghe những nhận xét tiêu cực về thiết kế của mình. “Phòng thủ” và “tấn công” là điều dễ hiểu. Nhưng hãy bình tĩnh, hít thở sâu và xem xét những gì khách hàng nói. Có thể họ không am hiểu về thiết kế như bạn. Nhưng họ sẽ là người hiểu doanh nghiệp của mình hơn bất cứ ai. Có chăng là ngôn ngữ giữa họ và bạn khác nhau.
Do đó, bạn nên học ngôn ngữ của họ để thực sự lắng nghe. Mặc dù có những khách hàng không hiểu Gradient, Layout,... là gì, nhưng họ hiểu rõ công việc kinh doanh của mình hơn bạn nghĩ. Hãy chuyển đổi ngôn ngữ kinh doanh thành ngôn ngữ nghệ thuật, và ngược lại hãy học cách nói ngôn ngữ kinh doanh để truyền đạt cho họ hiểu.
3. Đưa ra lập luận khách quan
“Tôi cảm thấy nền màu trắng “có thể” đẹp hơn”? Hay “Theo nguyên tắc màu, trắng và đen là hai màu đối lập làm nổi bật nhau”? Con người vừa cảm tính vừa lý trí. Hoàn cảnh khác nhau sẽ bộc lộ những mặt khác nhau. Và khi đưa bằng chứng hay lý do cần nhìn bằng sự khách quan để nó trở nên thuyết phục.
Luôn đặt mình ở vị trí là người quan sát và biết cách gạt bỏ cái tôi của mình. Có như vậy khách hàng mới cảm thấy bạn mong muốn tốt cho doanh nghiệp của họ, chứ không phải là đang phô diễn tài năng nghệ thuật.
4. Tham khảo các bậc tiền bối đi trước
Tuy nhiên, không phải cuộc thảo luận nào cũng có thể diễn giải bằng các lý thuyết suông. Vậy làm sao để khách hàng hình dung được trong khi tác phẩm vẫn chưa thành hình? Bạn có thể đưa ra dẫn chứng từ thành công của các bậc “anh hùng”.
Hãy tìm kiếm những thiết kế đi trước, chỉ ra việc áp dụng không gian âm ở đây đã thành công thế nào, sử dụng màu tương phản tác dụng ra sao,... Có thêm dẫn chứng về sự thành công sẽ giúp khách hàng có cơ sở tin tưởng bạn hơn.
5. Có tiến có lùi
Bản thân bạn là một nghệ sĩ thương mại. Phũ phàng và trần trụi nhưng bạn được trả tiền để làm hài lòng khách hàng. Bạn nỗ lực để tạo ra thiết kế tuyệt nhất, còn khách hàng muốn có một thiết kế giúp họ thực sự kiếm được lợi nhuận.
Vì thế, quan điểm về cái đẹp của mỗi người là khác nhau. Và nên nhớ, giải pháp tốt nhất là giải pháp win-win, đôi bên cùng có lợi...
Bài viết của Chị Thạch Thảo - Marketing Executive trên Group "Nghiện Design"
Nguồn: ECH Creative Publications